Tổ chức thành công khóa đào tạo Chuyển đổi kỹ thuật số cho các tổ chức TCVM và ngân hàng tại Việt Nam (Hồ Chí Minh, 14 – 17/05/2018)

Từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 05 năm 2018, IFC kết hợp cùng Nhóm Công tác Tài chính vi mô và Microsave đã tổ chức thành công khóa đào tạo “Chuyển đổi kỹ thuật số cho các tổ chức tài chính vi mô (TCVM) và ngân hàng” tại thành phố Hồ Chí Minh. Khóa đào tạo thu hút 26 đại biểu đến từ 09 tổ chức TCVM và 03 ngân hàng thương mại tại Việt Nam.

Trong bối cảnh các tổ chức TCVM và ngân hàng đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc số hoá, chuyển đổi kỹ thuật số được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức tài chính vì nó giúp giảm đáng kể các chi phí hoạt động và tăng đáng kể mức độ tiếp cận khách hàng và hiệu quả hoạt động, tập trung tốt hơn vào các giải pháp lấy khách hàng làm trung tâm. Tuy nhiên, thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số cũng rất phức tạp và các tổ chức có thể phải đối mặt với rất nhiều thách thức về hoạt động. Do đó, các tổ chức tài chính cần phải xây dựng một tầm nhìn chung về chuyển đổi kỹ thuật số thông qua hiểu biết toàn diện nhiều các lựa chọn về chiến lược và hoạt động, cũng như ưu và nhược điểm của chúng. Dựa trên bối cảnh này, IFC kết hợp cùng VMFWG và các giảng viên quốc tế đến từ Microsave đã tổ chức khoá đào tạo này sẽ với mục tiêu giúp các tổ chức TCVM và ngân hàng hiểu được chuyển đổi kỹ thuật số có ý nghĩa như thế nào với tổ chức của họ, các lựa chọn về chiến lược và hoạt động mà tổ chức có thể lựa chọn để triển khai dịch vụ tài chính số trong tổ chức mình, và các khía cạnh của chuyển đổi kỹ thuật số ví dụ như lập kế hoạch chiến lược, chuyển đổi kỹ thuật số cho sản phẩm, quy trình, kênh phân phối, và công nghệ, quản trị rủi ro, và quản lý dự án và thay đổi trong tổ chức. Đây cũng chính là các nội dung quan trọng được trình bày trong 04 ngày diễn ra khóa đào tạo.

Đến với khóa đào tạo, các học viên bày tỏ mong muốn học hỏi các kiến thức về chuyển đổi kỹ thuật số, từ đó áp dụng vào bối cảnh hoạt động thực tiễn của tổ chức mình. Ngoài ra một số học viên cũng chia sẻ quan tâm của mình về sự hợp tác với các công ty tài chính công nghệ (fintech), các cơ hội và thách thức khi bắt tay với các công ty này.

Khóa đào tạo 04 ngày được tiến hành trong một môi trường tương tác với các kiến thức trình bày được cập nhật theo xu hướng hiện tại của thị trường. Người tham gia không chỉ được giới thiệu kiến ​​thức mới mà còn được khuyến khích tham gia thảo luận, làm bài tập nhóm để áp dụng các kiến thức đã học vào thực tế. Đặc biệt, chia sẻ cởi mở của các đại biểu đến từ ngân hàng về kinh nghiệm chuyển đổi kỹ thuật số của họ đã làm gia tăng không khí thảo luận rất sôi nổi trong khóa đào tạo. Khóa học cũng giúp các tổ chức TCVM hiểu hơn về thực tiễn áp dụng công nghệ vào hoạt động của mạng lưới TCVM tại Việt Nam. Anh Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Quỹ Hộ trợ gia đình thu nhập thấp phát triển kinh tế (VietED Foundation) đã chia sẻ về dự án chuyển đổi kỹ thuật số với ứng dụng SMS banking dự kiến sẽ được ra mắt vào tháng 06 này của tổ chức mình.

Lớp học đã nhận được nhiều chia sẻ về những kiến thức căn bản và các kinh nghiệm giải quyết tình huống thực tế từ Giảng viên David Cracknell, Giám đốc Kỹ thuật Toàn cầu của MicroSave với hơn hai mươi năm kinh nghiệm về tài chính toàn diện, ngân hàng và phát triển doanh nghiệp. Chuyên môn của ông tập trung về phát triển và thiết kế các giải pháp huy động tiền gửi và tài chính kỹ thuật số, là quản lý của nhóm tư vấn cho ngân hàng Equity Bank tại Kenya và đóng góp trong thí điểm sản phẩm M-PESA của Safaricom giai đoạn 2005 và 2006. Bên cạnh đó, phía Microsave còn có sự tham gia giảng dạy của ông Nitish Narain, Cán bộ Quản lý Cấp cao công tác trong lĩnh vực Ngân hàng và Tài chính Toàn diện có nhiều năm kinh nghiệm tham gia các dự án với các cơ quan đa phương, các ngân hàng trung ương, các ngân hàng và tổ chức tài chính, các tổ chức tài chính vi mô, các công ty chuyển tiền, các tổ chức cộng đồng, và các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính số tại Bangladesh, Ấn Độ, Kenya, Myanmar, Qatar, Philippines, Sri Lanka và Việt Nam.

Đánh giá về khóa học trong thang điểm từ 1 – 5, hầu hết các học viên đánh giá tốt về nội dung chuyên môn được trình bày với 77% học viên cho điểm từ 4 -5. Tương tự với mức độ hài lòng chung về khóa học, 73% học viên cho thang điểm từ 4 – 5, không học viên nào lựa chọn thang điểm dưới 3. Đánh giá chung về giảng viên, hầu hết người tham gia đều hài lòng với kiến thức và kỹ năng trình bày, khả năng trả lời câu hỏi của các giảng viên đến từ Microsave với các lựa chọn hầu hết rơi vào thang điểm từ 4 – 5. Điểm yếu cần khắc phục của khóa đào tạo đó là sự kết hợp kiến thức quốc tế vào điều kiện tại Việt Nam, thể hiện ở con số 61% học viên lựa chọn thang điểm từ  2 – 3 cho nội dung này.

Để nâng cao chất lượng khóa học, các học viên đưa ra một số ý kiến như: giảng viên nên có nhiều liên hệ từ tình hình thực tế tại Việt Nam vào giảng dạy, đưa ra nhiều ví dụ hơn cho từng nội dung, và đặc biệt nên lồng ghép các bài học thất bại từ việc áp dụng chuyển đổi kỹ thuật số tại các quốc gia khác thay vì chỉ tập trung vào các bài học thành công…

Kết thúc 04 ngày đào tạo, 26 học viên đã được trao chứng chỉ hoàn thành khóa học bởi tổ chức tài chính quốc tế IFC.