This post is also available in: English (English)
Mary Banda ở Zambia là bà chủ của một nhà hàng nhỏ ở một trong những khu chợ lâu đời nhất của Lusaka. Trước khi Banda biết rằng các dịch vụ tài chính có thể khiến công việc kinh doanh của mình trở nên dễ dàng hơn, lợi nhuận cô kiếm được rất thấp. Thế nhưng tại thời điểm này, thu nhập của Banda đã tăng lên khi cô lựa chọn gửi tiền ở ngân hàng và sử dụng các dịch vụ chuyển tiền di động.
Sử dụng dịch vụ tài chính đã đơn giản hóa việc quản lý doanh nghiệp và giúp Banda gia tăng đáng kể lợi nhuận. Số tiền từ các hoạt động kinh doanh giờ được dùng để trả học phí cho con cái của cô.
“Phụ nữ không nên sợ ngân hàng. Điều này rất quan trọng khi tiết kiệm tiền bởi khu vực phi chính thức nơi chúng tôi đang hoạt động không hề có an sinh xã hội.” Banda cho biết.
Tài chính toàn diện nghe có vẻ như một khái niệm huyền bí, nhưng nó có tính thực tiễn rất lớn đối với 1,2 tỷ người đã có cho mình một tài khoản ngân hàng kể từ năm 2011, bao gồm hơn nửa tỷ người trong ba năm qua.
Với khả năng tiếp cận tài khoản ngân hàng, người dân không còn cần phải dựa vào và giao dịch chỉ bằng tiền mặt, hoặc thậm chí sử dụng nệm trải giường của họ như một nơi để tiết kiệm. Tiếp cận tài chính kết nối mọi người vào hệ thống tài chính chính thức, làm cho cuộc sống hàng ngày dễ dàng hơn và cho phép họ gây dựng cơ ngơi, đầu tư sản xuất, giảm thiểu các cú sốc liên quan đến những trường hợp khẩn cấp, bệnh tật và chấn thương.
Hãy lấy Mohirahon B ở Tajikistan làm ví dụ. Cô đã bắt đầu hoạt động kinh doanh may vá của riêng mình sau khi tham gia vào một khóa đào tạo về giáo dục tài chính nơi cô được học cách sử dụng tiền và lên ngân sách. Hoặc Sameh Seddik ở Ai Cập đã mở rộng hoạt động kinh doanh của mình tại Luxor, hiện đang sử dụng 40 thợ may nữ nhờ một khoản vay nhỏ được cung cấp nhằm phổ cập tài chính toàn diện ở Ai Cập. Trong khi đó ở Mexico, mở rộng tiếp cận tài chính ở các vùng nông thôn đang giúp nông dân và các doanh nghiệp nông thôn phát triển mạnh.
Nếu không được tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức, các nhà doanh nhân vi mô này sẽ kể một câu chuyện khác.
Ngân hàng Thế giới và Tài chính toàn diện
Tài chính toàn diện nổi lên như một thách thức phát triển quan trọng và là một chủ đề nóng giữa các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực hành phát triển và khu vực tư nhân. Trong thực tế, nền tảng của tài chính toàn diện tạo nên 07 trong số 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Năm 2011, Ngân hàng Thế giới đã ra mắt Global Findex, một cơ sở dữ liệu theo dõi các nỗ lực thúc đẩy tài chính toàn diện trên khắp thế giới. Ấn bản thứ ba của nó vừa được phát hành vào tháng 4 năm 2018.
Đồng thời, là một phần trong những nỗ lực cải thiện sự ổn định của khu vực tài chính, phát triển khu vực tư nhân thịnh vượng và tạo ra việc làm, Ngân hàng Thế giới nhận thấy rằng có quá nhiều người hiện đang không có tài khoản ngân hàng, yếu tố giúp họ tham gia vào nền kinh tế quốc gia.
Dữ liệu Findex năm 2011 cho thấy 2,5 tỷ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng và dữ liệu về khoảng cách tài chính giữa các doanh nghiệp vi mô, vừa và nhỏ được thu thập bởi IFC vào năm 2011 chỉ ra hơn 200 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các nền kinh tế đang phát triển thiếu tiếp cận với các dịch vụ tài chính và tín dụng.
Đó là lý do tại sao vào năm 2013, Ngân hàng Thế giới đã công bố tầm nhìn toàn cầu về tiếp cận tài chính và khởi động sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020 (UFA2020) để tạo cơ hội cho người trưởng thành trên toàn thế giới có thể tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức. Kể từ đó, hơn 30 đối tác trong lĩnh vực tài chính đã bắt tay hợp tác để giúp đạt được mục tiêu này.
Rất nhiều thành tựu đã được tạo nên trong vài năm qua để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính và số lượng người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng đã giảm xuống còn 1,7 tỷ người, theo dữ liệu Findex mới nhất.
Số lượng người không ở trong khu vực tài chính chính thức tiếp tục giảm, bất chấp sự tăng trưởng của dân số.
Tài chính toàn diện thúc đẩy tất cả các bộ phận của Ngân hàng Thế giới và tiếp tục là một phần của hoạt động cho vay và tư vấn của tổ chức. Ngân hàng Thế giới hợp tác với chính phủ và các nhà quản lý để hỗ trợ cải cách pháp lý, trong khi các khoản đầu tư của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) giúp mở rộng và củng cố các doanh nghiệp có hiệu suất hoạt động cao trên khắp thế giới, kích thích nguồn cầu cho các dịch vụ tài chính. Điều này đặc biệt phù hợp với mục tiêu của Ngân hàng thế giới nhằm xóa bỏ khoảng cách giới tính trong tài chính toàn diện.
Ngân hàng Thế giới đang hướng tới mục tiêu đạt được cam kết đạt 1 tỷ khách hàng mới thông qua các dịch vụ cho vay, tư vấn và phân tích.
Nhân tốc thúc đẩy tài chính toàn diện
Những thay đổi nhanh chóng và các cải tiến trong công nghệ, đặc biệt là sự phổ biến của điện thoại di động đã thúc đẩy tiếp cận . Ngành công nghiệp tiền di động xử lý 1 tỷ đô la một ngày thông qua 276 hệ thống tiền di động tại 90 quốc gia, theo GSMA, một hiệp hội các nhà khai thác mạng di động toàn cầu. Điện thoại di động và nhiều điểm truy cập khác đã mang lại dịch vụ tài chính cho người dân thay vì yêu cầu họ phải di chuyển xa tới các ngân hàng chính thống.
Các công ty Fintech đang nhanh chóng phá vỡ cảnh quan của khu vực tài chính và khiến nó dễ dàng hơn trước nhằm mở rộng tiếp cận đến người dân. Ví dụ, các siêu nền tảng như Ali Baba / Ant Financial đang nhanh chóng mở rộng truy cập thông qua các thị trường internet hoặc mạng xã hội.
Sự đổi mới này và “tính di động” trong các dịch vụ tài chính chính là yếu tố then chốt trong việc phổ cập tài chính toàn diện.
Sỡ hữu và sử dụng tài khoản ngân hàng
Mục tiêu tài chính toàn diện thế giới đang ngày càng phát triển. Sở hữu quyền truy cập đến một tài khoản tài chính là một khởi đầu thuận lợi nhưng vẫn chưa đủ. Sở hữu và sử dụng là hai khái niệm rất khác biệt, theo như dữ liệu nghiên cứu Findex.
Ngày nay, tỉ lệ tiếp cận tài chính của người dân ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Kenya và Thái Lan lên tới 80% hoặc hơn. Tuy nhiên khi các quốc gia đang tạo ra bước tiến mới trong việc giúp người dân tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức, họ cũng cần tập trung vào việc cải thiện cách thức sử dụng của người dân. Dữ liệu Findex cho biết trên toàn thế giới, 1/5 tài khoản ngân hàng hiện đang không hoạt động trong cả hai lĩnh vực chuyển tiền và rút tiền trong 12 tháng gần nhất.
Trung Quốc là một ví dụ tuyệt vời về sự chuyển giao từ sở hữu đến sử dụng: Hiện nay hơn 80% người trưởng thành ở Trung Quốc sở hữu một tài khoản ngân hàng. 85% mua đồ trực tuyến và thanh toán trực tuyến (trái ngược với việc trả tiền mặt khi giao hàng).
Để tăng mức độ sử dụng tài khoản của người dân, các quốc gia có thể số hóa các khoản thanh toán bằng tiền mặt như các giao dịch của chính phủ hay chuyển tiền lương. Ngoài ra, họ có thể bắt đầu bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản như mạng lưới nhận dạng kỹ thuật số và lịch sử tín dụng trực tuyến – nếu người dân có thể chứng minh họ là ai và có thể cung cấp lịch sử tín dụng, các tổ chức tài chính có nhiều khả năng giúp họ mở một tài khoản tài chính hơn.
Xóa bỏ các khoảng trống còn lại
Khi các quốc gia tập trung vào mức độ sử dụng tài khoản, họ cũng cần phải tập trung vào việc mở rộng tiếp cận tài chính cho các phân khúc dân cư khó tiếp cận hơn, như phụ nữ, người nghèo và những người sống ở nông thôn. Khoảng một nửa số người không được tiếp cận đến hệ thống tài chính chính thức là phụ nữ, sống trong các hộ gia đình nghèo, hoặc không tham gia lực lượng lao động, theo dữ liệu mới nhất của Findex.
Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính cần phải được điều chỉnh theo nhu cầu của người dùng lần đầu, những người có thể cần các sản phẩm được tùy chỉnh và các dịch vụ giáo dục tài chính để giúp họ hiểu được cách sử dụng các sản phẩm này.
Khả năng tài chính – biết và hiểu cách sử dụng các dịch vụ tài chính – là điều đã giúp Mohirahon tự tin mở cửa hàng của riêng mình. Tương tự như vậy, đối với Farzona, một người tị nạn Afghanistan sống ở Tajikistan. Tham gia khóa đào tạo về tài chính đã giúp cô ghi lại tất cả các giao dịch mua của mình. “Điều đó đã giúp tôi hạn chế chi tiêu không cần thiết. Bây giờ tôi đã có thể sử dụng tiền của mình một cách thông minh. Kỹ thuật này cho phép tôi tăng tiết kiệm và tăng ngân sách gia đình,” cô nói.
Khi những người tiêu dùng mới bước vào lĩnh vực tài chính chính thức, đào tạo năng lực tài chính giúp họ đưa ra những lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, họ cũng cần phải được bảo vệ khỏi các thực tiễn kinh doanh có hại, đó là lý do tại sao việc các quốc gia thiết lập những khuôn khổ mạnh mẽ để bảo vệ người tiêu dùng tài chính là điều rất quan trọng.
Ngoài ra, tập trung vào phụ nữ là chìa khóa để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Mặc dù 65% phụ nữ hiện sở hữu một tài khoản tài chính, tăng từ 58% trong năm 2014, khoảng cách giới tính vẫn ở mức 9% liên tục ở các nước đang phát triển. Những quốc gia ghi nhận khoảng cách giới tính vào năm 2011 khi Findex bắt đầu, tiếp tục phải giải quyết thực trạng này vào thời điểm hiện tại, đặc biệt là ở Nam Á.
“Khi chính phủ gửi tiền trợ cấp xã hội hoặc trợ cấp khác trực tiếp vào tài khoản ngân hàng số của phụ nữ, tác động thật đáng kinh ngạc. Phụ nữ có được quyền quyết định trong nhà của họ và với nhiều công cụ tài chính hơn, họ đầu tư vào sự phát triển của gia đình và giúp đỡ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện”. Melinda Gates – Đồng sáng lập quỹ Bill & Melinda Gates Foundation
1,7 tỉ người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng trên toàn thế giới
Các dịch vụ tài chính ngày càng có liên quan đến các tình huống xung đột. Việc có thể cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng trước, trong và sau các thời kỳ khủng hoảng nhân đạo có thể cải thiện khả năng phục hồi của người dân và giúp duy trì sinh kế. Ví dụ, chuyển tiền mặt khẩn cấp, đặc biệt là thông qua các cơ chế kỹ thuật số, có thể giúp giải quyết lỗ hổng ngay lập tức và giảm thiểu tác động của khủng hoảng.
Tại sao tài chính toàn diện quan trọng đến vậy?
Tài chính toàn diện bao gồm rất nhiều lợi ích phát triển tiềm năng khác, đặc biệt là từ việc sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, bao gồm dịch vụ tiền di động, thẻ thanh toán và các ứng dụng công nghệ tài chính (hoặc fintech).
Là chủ tài khoản, người dân có nhiều khả năng sử dụng các dịch vụ tài chính khác như tín dụng và bảo hiểm để bắt đầu và mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào giáo dục hoặc sức khỏe, quản lý rủi ro và dự báo trước các cú sốc tài chính, điều có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Dịch từ: Gains in Financial Inclusion, Gains for a Sustainable World, World Bank News