Tài trợ cho tài chính nông thôn có đang đến đúng nơi nông dân cần?

This post is also available in: English (English)

Ngày nay, hơn 50% dân số ở các nước đang phát triển sống ở khu vực nông thôn, nơi nông nghiệp là nguồn thu nhập lớn nhất. Dịch vụ tài chính đóng vai trò quan trọng trong các cộng đồng này vì chúng có thể giúp nông dân tăng sản lượng sản xuất và củng cố an ninh lương thực, đầu tư lớn hơn, quản lý chi phí và tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Giải quyết các nhu cầu tài chính của đối tượng này tiếp tục là vấn đề cấp thiết đối với nhiều nhà tài trợ quốc tế.

Trong hai năm liên tiếp, tài chính nông thôn và nông nghiệp là một trong những dự án nhận được nhiều tài trợ nhất từ các nhà tài trợ quốc tế, theo hai cuộc khảo sát mới nhất của CGAP. Trong số 3.200 dự án được đề cập trong cuộc khảo sát này, trong năm 2016 đã có 647 dự án ở 97 quốc gia với nhiều mục tiêu khác nhau bao gồm cải thiện tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn. Mỗi nhà tài trợ báo cáo ít nhất một dự án liên quan đến lĩnh vực này. Tổng giá trị tài trợ đạt gần 5 tỷ USD.

Khoảng một nửa số tiền tài trợ cho tài chính nông thôn và nông nghiệp được phân bố đều giữa khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á, hai khu vực có dân số hoạt động trong ngành nông nghiệp lớn và tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào lĩnh vực này. Đáng ngạc nhiên hơn cả là số lượng tiền tài trợ đi tới khu vực Mỹ Latin – Caribê (LAC) và Đông Âu – Trung Á (ECA), hai khu vực phụ thuộc ít hơn vào nông nghiệp và có dân số nông thôn nhỏ hơn.

Nguồn: CGAP, Khảo sát tài trợ xuyên biên giới 2017

Các nhà tài trợ quốc tế chủ yếu tập trung vào các khu vực nông thôn có mức độ tiếp cận tài chính toàn diện thấp hơn. Một nửa số tài trợ cho tài chính nông thôn và nông nghiệp đi đến các nước chỉ có 25-50% dân số nông thôn có tài khoản trong các tổ chức tài chính. Việc phân bổ kinh phí này có thể giải thích cho số lượng tài trợ lớn ở khu vực Mỹ Latin – Caribê và Đông Âu – Trung Á, vì cả hai khu vực đều thuộc loại này. 31% tài trợ khác dành cho các quốc gia có ít hơn 25% dân số nông thôn có tài khoản ngân hàng.

Nguồn: CGAP, Khảo sát tài trợ xuyên biên giới 2017

Tương tự, phần lớn tài trợ đi đến các nước chưa đạt được nhiều tiến bộ đáng kể hướng tới Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 là: “Chấm dứt nạn đói, cải thiện tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng, thúc đẩy phát triển Nông nghiệp bền vững”. Chỉ số đánh giá tiến độ của các nước trên thang điểm 0 (kém nhất) đến 100 (tốt nhất). Dựa trên kết quả khảo sát của CGAP, chúng tôi thấy rằng 96% các cam kết tài trợ nông nghiệp và nông thôn tập trung vào các quốc gia có chỉ số dưới 60.

Nguồn: CGAP, Khảo sát tài trợ xuyên biên giới 2017

Nhìn chung, những phát hiện này cho chúng ta biết rằng các nhà tài trợ đang làm rất tốt khi nhắm mục tiêu đến các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Những gì họ không nói với chúng ta đó là liệu những nỗ lực của họ có đang thúc đẩy tài chính toàn diện ở các vùng nông thôn, giảm thiểu đói nghèo và an ninh lương thực và đạt được nông nghiệp bền vững? Dưới đây là một số câu hỏi đáng để chúng ta cân nhắc:

  • Chúng ta có đang nhìn thấy những tiến bộ trong lĩnh vực tài chính toàn diện nông thôn? Các nhà tài trợ đã đóng góp vào tiến trình này như thế nào?
  • Các rào cản ngăn cản tài chính toàn diện tiếp cận khu vực nông thôn là gì? Các nhà tài trợ có tập trung vào việc xóa bỏ các rào cản này không?
  • Các nhà tài trợ có sử dụng các công cụ tài trợ theo các cách tối ưu nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của các thị trường tài chính phục vụ các hộ nghèo, nông thôn không?

Bài dịch từ: CGAP Blog