This post is also available in: English (English)
Trải qua hơn 25 năm đổi mới, toàn diện đất nước, với đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Trong những thành tựu quan trọng đó, có phần đóng góp đáng khích lệ của hoạt động tài chính vi mô, với sự tham gia tích cực của các tổ chức, chương trình tài chính vi mô trên khắp mọi miền đất nước. Thông qua việc trợ giúp người nghèo và những nhóm người bị thiệt thòi, các hoạt động tài chính vi mô đã giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức để không ngừng vươn lên phát triển kinh tế gia đình và đóng góp vào vi phát triển kinh tế địa phương. Thực tế đã chứng minh rằng, tài chính vi mô là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc và ngày càng lớn mạnh ở nhiều quốc gia trên khắp các châu lục, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đã xác định ba vấn đề cốt lõi để đảm bảo con đường phát triển bền vững của đất nước là: Tăng trưởng cao về kinh tế gắn với công bằng xã hội; Xóa đói giảm nghèo và Bảo vệ môi trường. Với mục tiêu này, hoạt động tài chính vi mô của Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò quan trọng trong việc tăng cường hỗ trợ tài chính thông qua việc từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn vay và các dịch vụ tài chính cho phát triển kinh tế, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và các hộ gia đình. Hoạt động tài chính vi mô ngày càng thể hiện được vai trò của mình trong xã hội. Với nền kinh tế còn tồn tại một bộ phận không nhỏ những người đang trong tình trạng đói nghèo, có nhu cầu hỗ trợ về tài chính, ở một nền kinh tế mà phần lớn dân số có nhiều khó khăn về kinh tế với mức thu nhập thấp, thực sự cần hỗ trợ, đặc biệt từ các chương trình, tổ chức tài chính quy mô nhỏ để tạo thu nhập và cải thiện cuộc sống. Có thể khẳng định, hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam trong hai thập kỷ qua đã và đang có những đóng góp nhất định vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của quốc gia, tuy hoạt động này chưa phát huy hết tiềm năng và tầm ảnh hưởng của nó đối với xã hội nói chung và các tầng lớp dân cư nghèo nói riêng. Hoạt động tài chính vi mô đã và đang có tác động tích cực tới việc tạo thu nhập và gây dựng tài sản của những người nghèo và nghèo nhất không có đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay chính thức. Được các tổ chức tài chính vi mô hỗ trợ vốn vay và trang bị kiến thức về sản xuất, kinh doanh, vị trí của họ trong xã hội từng bước được cải thiện. Trên thực tế, khách hàng của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính vi mô thuộc các phân đoạn khác nhau. Vì vậy, mức độ tác động đến giảm nghèo cũng khác nhau và mức sống chung cũng đã và đang được tăng lên bởi nhiều nhân tố tác động khác nhau. Hiện nay ngành tài chính vi mô Việt Nam đang bắt đầu phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, hướng tới sự phát triển bền vững. Một số tổ chức và chương trình tài chính vi mô bán chính thức đang trải qua quá trình đổi mới quan trọng để có thể mở rộng hoạt động, nâng cao kỹ năng quản lý, giảm chi phí, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng để đạt được sự phát triển lành mạnh và bền vững với mục tiêu tiếp tục đóng góp vào giảm nghèo và phát triển nền kinh tế.
Mặc dù hoạt động tài chính vi mô đã phần nào được ghi nhận như là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần cho giảm nghèo nhưng cho đến nay Việt Nam chưa có nghiên cứu nào đánh giá tác động của tài chính vi mô trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đổi mới đất nước. Xuất phát từ đặc trưng của thị trường tài chính vi mô tại Việt Nam và các tổ chức tham gia trên thị trường tài chính vi mô trong thời gian qua, nhằm làm rõ hơn sự đóng góp quan trọng của tài chính vi mô trong công cuộc đổi mới đất nước và phát triển kinh tế, trên cơ sở thực tiễn hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam, đề tài “Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam: Kiểm định và so sánh” đã được lựa chọn để nghiên cứu. Với sự tham gia của một số nhà nghiên cứu, chuyên gia giàu kinh nghiệm và am hiểu về hoạt động tài chính vi mô thuộc Học viện Ngân hàng và Trường đại học Kinh tế quốc dân, cùng với sự phối hợp của Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) và sự tài trợ của Quỹ Citi, sau quá trình nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực địa, tổ chức hội thảo chuyên đề…, bằng phương pháp phân tích, thu thập thông tin thứ cấp và thông tin trực tiếp từ khách hàng của các tổ chức cung cấp tài chính vi mô (các tổ chức tài chính vi mô; Quỹ Tín dụng nhân dân; Ngân hàng Chính sách xã hội ), nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đề tài mà kết quả được thể hiện trong cuốn sách này nhằm tập trung cung cấp thông tin về hoạt động tài chính vi mô Việt Nam; Tác động của tài chính vi mô đối với giảm nghèo ở Việt Nam thông qua kết quả kiểm định và so sánh trên cơ sở đó đã đưa ra một số đánh giá và khuyến nghị khi nhìn lại qua trình hình thành, phát triển và những đóng góp của tài chính vi mô Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tài chính vi mô Việt Nam trong quá trình hội nhập và phát triển.
Xin vui lòng tải Báo cáo nghiên cứu Tài chính vi mô với giảm nghèo tại Việt Nam – Kiểm định và so sánh tại đây