Tài chính vi mô ở đâu trong hiện tại và tương lai?

This post is also available in: English (English)

Nhiều nhà tài trợ, quỹ đầu tư và tổ chức tài chính đã “chia tay” tài chính vi mô để tìm kiếm các tiến bộ công nghệ dẫn đầu thị trường với kết luận rằng họ đã hoàn thành công việc của mình và các tổ chức tài chính vi mô (MFIs) hàng đầu đã tác động đến thị trường vốn với các bảng cân đối tài chính khỏe mạnh, cùng một số lượng lớn các cổ phiếu được phát hành lần đầu (IPOs) ở Ấn Độ trong những năm gần đây. Trong khi đó, các nhà đầu tư tác động, đặc biệt là ở Mỹ, đang tranh cãi về việc tài chính vi mô là, hay chưa từng là một thương vụ “đầu tư tác động”. Trong mọi trường hợp, họ muốn tập trung sự chú ý vào các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ thay thế (“disruptive” business models). Trong các ấn phẩm về ngành, hội nghị và thậm chí cả các thuật ngữ, tài chính vi mô đã chết; và không còn gì hơn là một giải pháp của quá khứ.

May mắn thay cho những người ở đáy của kim tự tháp (BOP), không ai nói với họ rằng tài chính vi mô đã chết. Những đợt IPOs mạnh mẽ, xu hướng sáp nhập và mua lại cho thấy sự quan tâm của một thị trường vốn khỏe mạnh. Quan trọng hơn, TCVM hiện có vai trò trung tâm trong các hệ thống tài chính quốc gia trên toàn thế giới, với hàng trăm triệu khách hàng và sự thâm nhập vào phần lớn các cộng đồng có thu nhập thấp. Ý tưởng cho rằng người nghèo có thể sử dụng và được cung cấp một cách bền vững tất cả các dịch vụ tài chính, vốn là cái gì đó không thể tưởng tượng được 20 năm trước đây, giờ đã là một điều hoàn toàn hiển nhiên. Các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức tài chính chính thống thừa nhận rằng một thị trường tài chính năng động dành cho người nghèo thúc đẩy sự phát triển công bằng, bền vững và sức khỏe của hệ thống tài chính và nền kinh tế quốc gia. Từ quan điểm tổ chức, các MFIs sử dụng hàng chục nghìn nhân viên có cùng nhân khẩu học với các khách hàng mục tiêu của họ. Hay nói một cách khác, những người nghèo ở trung tâm của ngành TCVM hầu hết đều là phụ nữ.

Trong bối cảnh của những đánh giá mang tính phản chiếu này, 32 tổ chức tài chính vi mô cùng các nhà thực hành đầu tư tác động, các nhà đầu tư và phân tích từ khắp nơi trên thế giới đã cùng ngồi lại một năm trước đây trong một sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Martindale của Đại học Lehigh, tài trợ bởi Quỹ Calmeadow và Hội đồng Tài chính toàn diện công bằng để bàn về vai trò của tài chính vi mô trong tương lai. Nhìn chung, các đại biểu thống nhất rằng dù đã “chết” đối với một số quốc gia, tài chính vi mô ở nhiều nơi khác vẫn còn tồn tại khỏe mạnh và đang tạo ra các mô hình kinh doanh đa dạng cùng những cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và đóng góp cho các giá trị xã hội.

Trên toàn thế giới, tài chính vi mô đang áp dụng các mô hình ngày càng phát triển khi đứng trong bối cảnh thay đổi của thị trường tài chính và kinh tế: các ngân hàng thương mại chính thống giảm quy mô; các ngân hàng đặc biệt đang phân nhánh vào lĩnh vực cho vay SME, nhà ở và các phân khúc khác; sự phát triển của ngân hàng di động (mobile banking); tài chính nông nghiệp; và bảo hiểm vi mô. Ở hầu hết các quốc gia, một số lượng lớn các MFIs liên tục thử nghiệm các phương pháp mới nhằm hài hòa mục tiêu thương mại với mục tiêu xã hội, xây dựng trên cơ sở tài chính bền vững để đa dạng hóa các sản phẩm ngoài tín dụng vi mô để đáp ứng nhu cầu phong phú của khách hàng.

Những mô hình đa dạng này đòi hỏi các tổ chức tài chính vi mô phải xem xét lại vai trò của mình trong việc tạo ra giá trị xã hội cho khách hàng. Việc theo đuổi cùng lúc quy mô và hiệu quả đôi lúc ám chỉ hiện tượng “trôi dạt sứ mạng” (mission drift). Liệu các MFIs hoạt động dựa trên sứ mệnh vẫn được xem là công cụ hiệu quả nhất để xây dựng giá trị xã hội cho người nghèo trong một thế giới mà công nghệ di động và kỹ thuật số có thể tiếp cận những khách hàng “bị bỏ rơi” này chỉ với chi phí rất nhỏ vẫn là một vấn đề cần bàn luận.

Hoài nghi về tương lai của tài chính vi mô phản ánh nghi ngờ về các MFIs lớn hiện nay, một khi các nhà cải cách có thể tự mình tạo ra các tác động mang tính đột phá nhằm đạt được những tiến bộ có ý nghĩa hướng đến các mục tiêu phát triển. Khá có thể tưởng tượng được, tương lai lại nằm ở các mô hình mới, pha trộn giữa các dịch vụ tài chính kỹ thuật số giúp giảm chi phí với các tương tác trực tiếp truyền thống nhằm giảm thiểu rủi ro thông qua dữ liệu và các thuật toán, đồng thời tăng cường tiếp cận đến khách hàng.

Tương lai của tài chính vi mô và thách thức đối với những tổ chức ưu tiên giá trị xã hội cho khách hàng nằm ở việc tận dụng thế mạnh của các MFIs hiện tại: sự hiểu biết sâu sắc của họ về nhu cầu đa dạng của người nghèo dưới đáy Kim tự tháp. Khi các nhà tài trợ và các nhà đầu tư đang chú ý nhiều hơn đến các lĩnh vực mới như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp quy mô nhỏ, năng lượng độc lập, các MFIs hiện đối mặt với hai thách thức cơ bản:

Đầu tiên, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô phải truyền tải một cách thuyết phục đến các nhà đầu tư thông điệp: MFIs là các tổ chức được quản lý chuyên nghiệp với khả năng tiếp cập đáng tin cậy vào thị trường vốn, có dịch vụ sản phẩm đa dạng và sự thâm nhập đặc biệt trong thị trường khách hàng nghèo; các MFIs cung cấp nền tảng tốt nhất để thiết kế, thử nghiệm và trong nhiều trường hợp có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ để tạo ra giá trị xã hội. Ngay cả khi các kênh mới có thể có hiệu quả, như trong trường hợp mobile money (hệ thống tiền di động) hoặc tài chính nhà ở, họ cũng sẽ phải tìm hiểu cách làm thế nào để kết hợp các sản phẩm đó vào cuộc sống tài chính phức tạp của người nghèo.

Thứ hai, trong khi phần lớn danh mục sản phẩm của tài chính vi mô có thể hoàn toàn bền vững về mặt thương mại và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thông thường, việc tiếp cận đối tượng khách hàng “vẫn bị loại trừ” tiếp tục yêu cầu sự đổi mới và thử nghiệm được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư kiên nhẫn và các khoản tài trợ — mô hình đã sinh ra tài chính vi mô. Vai trò trung tâm và cần thiết của các khoản tài trợ này là để đổi mới, xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực – bài học quan trọng rút ra từ tài chính vi mô để đầu tư tác động một cách rộng rãi hơn.

Thực tế rất nhiều nhà tài trợ và đầu tư không còn xem tài chính vi mô như một lựa chọn tài trợ hấp dẫn đã làm suy yếu khả năng phát triển của ngành thông qua việc thử nghiệm mô hình kinh doanh vốn là nền tảng cho sự thành công và tầm vóc hiện tại của tài chính vi mô. ”Tài chính vi mô còn sống, khỏe mạnh và được kết hợp một cách vững chắc vào thị trường vốn toàn cầu. Nhưng để lấy lại tầm vóc dẫn đầu, vốn được biết đến như một điểm đến cho các hoạt động đầu tư tác động, các MFIs phải nỗ lực gấp đôi để tạo ra giá trị độc nhất cho mình với các sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm, bên cạnh đó hoạt động như một phòng thí nghiệm trong việc đổi mới thiết kế và phân phối sản phẩm. MFIs cũng sẽ cần áp dụng các công nghệ mới và sáng tạo như tài chính kỹ thuật số và fintech, cải thiện quy trình quản trị của mình khi đổi mới có thể làm gia tăng rủi ro, đồng thời tiếp tục xây dựng giá trị xã hội để hỗ trợ khách hàng của họ.

Tác giả: Paul Di Leo & Ira Lieberman

Paul DiLeo là người sáng lập của công ty Grassroots Capital Management và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính phát triển và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính vi mô. Tiến sĩ Ira W. Lieberman là Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty LIPAM International với hơn bốn mươi năm kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển quốc tế và khu vực tư nhân. Ira là CEO đầu tiên của CGAP.

Dịch từ: Yes, Microfinance Is Alive, But Does It Still Matter? (CGAP Blog)