This post is also available in: English (English)
Cộng đồng khoa học đã nhất trí rằng biến đổi khí hậu là một thực tế đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Những tác động đa dạng của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến sinh kế của khách hàng tài chính vi mô và làm suy giảm tính bền vững của các tổ chức tài chính vi mô. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (2009) và Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) (2009), Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam được xem là một trong ba vùng trên thế giới chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đối với các tổ chức tài chính vi mô và khách hàng của họ, đặc biệt là ở Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam.
Nhằm nâng cao nhận thức của các bên có liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu đối với các tổ chức tài chính vi mô và sinh kế của khách hàng tài chính vi mô, Nhóm Công Tác tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) đã thực hiện nghiên cứu nhanh mang tính định tính ở Đồng bằng Sông Cửu Long để phát hiện vấn đề ảnh hưởng. Nghiên cứu này xem xét trường hợp của ba tổ chức tài chính vi mô hoạt động ở các tỉnh Long An, Tiền Giang và Sóc Trăng ở Đồng bằng Sông Cửu Long ở Việt Nam.
Độc giả sẽ tìm thấy trong báo cáo này: (a) mô tả về các khuynh hướng thời tiết gần đây dựa vào dữ liệu khoa học đã ghi nhận và những quan sát của người dân địa phương ở các vùng nghiên cứu, (b) cảm nhận của người dân địa phương là khách hàng tài chính vi mô về những hiện tượng bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến sinh kế của họ như thế nào, và (c) những dự báo hiện nay đối với những biến đối khí hậu và nước biển dâng ở Đồng bằng Sông Cửu Long đến cuối thế kỷ 21.
Dựa vào thông tin đó, báo cáo nghiên cứu này cũng trình bày một danh mục các biện pháp tiềm năng để tăng cường tính bền vững của các tổ chức tài chính vi mô và giảm mức độ tổn thương của các tổ chức tài chính vi mô và khách hàng của họ đối với tác động của biến đổi khí hậu.
Vì đây là một nghiên cứu nhanh mang tính định tính, mặc dù đã phát hiện được vấn đề hỗ trợ tìm hiểu các vấn đề cần quan tâm, nhưng do mẫu thông tin nhỏ nên độ lớn của các vấn đề chưa được đánh giá. Để đánh giá được quy mô, mức độ tác động của các vấn đề, cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu định lượng tiếp theo.
Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) xin trân trọng giới thiệu báo cáo này đến quý độc giả. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng và ý tưởng để cải thiện các nghiên cứu tiếp theo.
Xin vui lòng tải Báo cáo tại đây