Mức độ bền vững của các tổ chức Tài chính vi mô Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị

This post is also available in: English (English)

Sau hơn 25 năm mở cửa và hội nhập, kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể, nền kinh tế luôn giữ được tăng trưởng phù hợp hàng năm, mức thu nhập của người dân ngày được cải thiện, tỷ lệ số dân sống dưới chuẩn nghèo quốc gia giảm mạnh. Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước là 9,64%; số lượt hộ thiếu đói giảm 27,6% so với năm 2011. Tuy vậy, tỷ lệ nghèo của Việt Nam vẫn còn ở mức khá cao.

Với mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có  nhiều chương trình hành động để thu hẹp khoảng chênh lệch giàu nghèo bằng những chính sách xóa đói giảm nghèo thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô đã được cấp phép chính thức, các chương trình, dự án có hoạt động tài chính vi mô. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam còn một số hạn chế, chưa phát huy hết được tiềm năng thực sự của mình. Một trong những nguyên nhân đó là sự am hiểu của các nhà hoạt động tài chính vi mô, cũng như sự đồng thuận của xã hội đối với lĩnh vực tài chính vi mô chưa được chú trọng, điều này dẫn đến môi trường đối với hoạt động tài chính vi mô còn hạn chế.

Tại kỳ họp thứ 7 khóa XII ngày 16/6/2010, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật các Tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12. Đây là lần đầu tiên loại hình Tổ chức tài chính vi mô được khẳng định là một loại hình tổ chức tín dụng trong hệ thống các tổ chức tín dụng của Việt Nam. Có thể nói, việc các tổ chức tài chính vi mô được hoạt động dưới sự điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng là một bước tiến dài đối với lĩnh vực tài chính vi mô, đây là nền tảng pháp lý vững chắc để củng cố và phát triển ổn định đối với các tổ chức tài chính vi mô, góp phần cùng với các loại hình tổ chức tín dụng khác phát triển hoạt động trong lĩnh vực tài chính vi mô với mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội, qua đó đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, để có sự am hiểu, nhận thức sâu rộng hơn của xã hội, qua đó có được sự đồng thuận cần thiết để tạo dựng môi trường tốt nhất (về khuôn khổ pháp lý; mục tiêu hoạt động; mô hình hoạt động; tính tự vững, quản trị điều hành…) cho hoạt động tài chính vi mô, bản Báo cáo đánh giá “Mức độ bền vững của các tổ chức tài chính vi mô Việt nam: Thực trạng và một số khuyến nghị” do PGS.TS. Nguyễn Kim Anh và TS. Lê Thanh Tâm làm chủ biên đã được biên soạn và phát hành. Bản Báo cáo đánh giá là một tư liệu hữu ích, có ý nghĩa thiết thực giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản trị điều hành hoạt động tài chính vi mô và các nhà nghiên cứu khoa học phần nào hiểu rõ hơn về thực trạng của Việt Nam và kinh nghiệm của thế giới trong lĩnh vực tài chính vi mô. Đây thực sự là một công trình nghiên cứu có giá trị khoa học đối với lĩnh vực tài chính vi mô của Việt Nam trong hiện tại và cho giai đoạn phát triển tới đây.

Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) xin trân trọng giới thiệu báo cáo này đến quý độc giả. Chúng tôi mong nhận được những ý kiến đóng góp xây dựng và ý tưởng để cải thiện các nghiên cứu tiếp theo.

Xin vui lòng tải Báo cáo tại đây