Hội thảo “Tài chính vi mô” và Quy trình đăng ký hoạt động tổ chức TCVM

This post is also available in: English (English)

Trong các ngày từ 12 – 13/4/2018, Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) đã tham dự hội thảo về tài chính vi mô do Bộ Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế tại Việt Nam (IFAD) để điều phối chương trình và trao đổi về các vấn đề hiện tại và thách thức đối với sự phát triển của ngành tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe giới thiệu tổng quan các hoạt động của IFAD về tài chính vi mô ở Việt Nam; hệ thống văn bản quy phạm về quản lý tài chính vi mô; năng lực quản lý của cán bộ quản lý Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển và chiến lược trở thành tổ chức tài chính vi mô; nâng cao năng lực cho Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển – vai trò của IFAD trong Chương trình chiến lược Quốc gia (COSOP) giai đoạn 2019 – 2025…

Hội thảo nhằm nâng cao kiến thức cho các bên liên quan về hệ thống quản lý giám sát, tiêu chuẩn hoạt động và quản lý tài chính tại các tổ chức tài chính vi mô cũng như những thách thức mà tổ chức tài chính vi mô hiện nay đang gặp phải; cung cấp tầm nhìn chung về việc thành lập tổ chức tài chính vi mô do IFAD tài trợ và xác định yếu tố chính để đăng ký hoạt động tổ chức tài chính vi mô; đồng thời dự thảo kế hoạch hành động cho Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển các tỉnh có đủ năng lực đăng ký tổ chức tài chính vi mô sau khi thảo luận với Ngân hàng Nhà nước… Tham dự hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các Dự án vốn vay IFAD và Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ phát triển 11 tỉnh do IFAD tài trợ.

Tham dự hội nghị, ngoài vai trò điều phối chung, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giám đốc điều hành Nhóm Công tác tài chính vi mô Việt Nam đã mang đến bài trình bày về Tổng quan thực trạng và thách thức đối với sự phát triển của ngành TCVM tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Điểm nhấn quan trọng trong bài trình bày của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai đó là sự thay đổi mang tính thách thức trong thị trường tài chính vi mô với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ hiện đại (các công ty công nghệ – Fintech) và khả năng hợp tác giữa các tổ chức TCVM với các công ty này. Cụ thể theo một khảo sát gần đây của Nhóm VMFWG, tại Việt Nam hiện có 40 ngân hàng thương mại đã hợp tác với các công ty fintech để thực hiện chương trình ví điện tử, 20 tổ chức đã sở hữu 9,6 triệu tài khoản (tính đến tháng 9 năm 2017), tăng 152% trong một năm (Ví dụ: ví điện tử Momo đã có hơn 1 triệu tài khoản Vietcombank, trong đó 40% số tài khoản đến từ khu vực nông thôn; ngân hàng Liên Việt cho ra mắt sản phẩm Ví Việt với sự hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã sở hữu 700,000 tài khoản). Cũng theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, các chương trình, dự án tài chính vi mô tại Việt Nam hiện đang “nằm trong một chiếc hộp” khi hầu hết đều chưa có sự nắm bắt kịp thời với xu hướng phát triển công nghệ số hiện tại. Bên cạnh đó, khuôn khổ chính sách dù đã có những bước tiến đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc cũng là một trong các nguyên nhân hạn chế sự sáng tạo và khả năng dám mạo hiểm của các tổ chức. Bài trình bày cũng chỉ ra rằng thị trường tài chính tại Việt Nam đang phân hóa đa dạng với rất nhiều “điểm nóng”, tuy nhiên sự chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các bên là còn thiếu, đi cùng với đó là sự khác biệt trong nhận thức của các bên về định hướng phát triển của thị trường. Có thể nói bối cảnh hiện tại đang đặt ra nhiều thách thức và bên cạnh đó là cả những cơ hội hợp tác/hợp nhất giữa các tổ chức TCVM và các ngân hàng thương mại, công ty Fintech,… Nhấn mạnh vai trò của Nhóm Công tài chính vi mô trong các hoạt động vận động chính sách và điều phối thông tin ngành, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết trong thời gian tới Nhóm sẽ tiếp tục thu thập và tổng hợp thông tin để có những kiến nghị kịp thời tới cơ quan chức năng, nhằm tạo ra một môi trường phát triển thuận lợi cho các tổ chức TCVM tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Giám đốc Nhóm Công tác Tài chính vi mô Việt Nam (VMFWG) trình bày tại hội thảo

Trong 02 ngày diễn ra hội thảo, 07 chương trình, dự án TCVM được tài trợ bởi IFAD cũng đã trình bày thực tiễn hoạt động và kế hoạch phát triển chiến lược để trở thành một tổ chức TCVM được cấp phép trong thời gian tới. Các khó khăn, vướng mắc đã được các đại biểu tham dự thảo luận sôi nổi với sự tham gia giải đáp của các đại diện đến từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Phát biểu cảm nghĩ sau hội thảo, ông Thomas Rath, Giám đốc IFAD tại Việt Nam cho biết IFAD sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức TCVM tại Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau như đầu tư trực tiếp, hỗ trợ các khóa đào tạo quốc tế, tài trợ vốn hoặc kêu gọi các đối tác đầu tư nước ngoài tới Việt Nam. Ngoài ra, ông cũng mong muốn tổ chức nhiều hơn các tour học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ chức TCVM Việt Nam và các tổ chức TCVM quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh rằng dù các tổ chức đang ngần ngại trước sự cạnh tranh đến từ ngân hàng thương mại cũng như các công ty công nghệ (trong thời gian tới), cạnh tranh thực chất rất cần thiết nhằm giúp mài sắc tư duy và quy trình hoạt động của các tổ chức. Ý tưởng thành lập một trung gian tài chính không vì mục đích lợi nhuận do IFAD đầu tư và kêu gọi các nhà tài trợ tham gia cũng nhận được sự ủng hộ từ các tổ chức tham dự hội thảo.

Các đại biểu đến từ Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các Dự án vốn vay IFAD và Quỹ Hỗ trợ phát triển phụ nữ phát triển 07 tỉnh do IFAD tài trợ chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện