Cẩn thận khi hợp tác với các bên cho vay qua ứng dụng điện thoại!

This post is also available in: English (English)

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài điều tra Thâm nhập đường dây “tín dụng đen” qua app (khởi đăng từ 1.6), Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM đã vào cuộc điều tra, đang làm rõ hoạt động cho vay nặng lãi, khủng bố tinh thần, đe dọa khách hàng của Công ty Cashwagon.

Về việc khách hàng có tiếp tục đóng lãi cho Cashwagon khi công ty này đang bị phong tỏa, bị điều tra về hành vi “cho vay lãi nặng”, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì việc cho vay trong giao dịch dân sự mà mức lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng; hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì người cho vay bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng.

Về mức lãi suất được quy định tại Điều 468 Bộ luật dân sự trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất, thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, còn nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 10%/năm
“Phần lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”, luật sư Hoan khẳng định.
Việc cho vay lãi suất hàng chục % là không đúng với pháp luật, vượt mức lãi suất Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định. Hiện vụ việc đang được PC02 thụ lý và xử lý theo quy định. PC02 cũng kêu gọi các nạn nhân trong đường dây cho vay nặng lãi qua app Cashwagon cần đến PC02 tố cáo để cơ quan điều tra, xử lý hành vi theo đúng quy định pháp luật. Các tổ chức tài chính vi mô cũng nên chú ý, cẩn thận khi ký kết hợp đồng đối tác với các bên cho vay qua ứng dụng điện thoại, tránh để trường hợp xấu nhất xảy ra!